Giảm nhẹ và miễn trách nhiệm Chế định trách nhiệm dân sự (Luật Hồng Đức)

Mục đích của pháp luật bao giờ cũng là thiết lập sự ổn định xã hội, đảm bảo bằng ý thức chấp hành nghiêm minh từ phía người dân. Vì lẽ đó, việc thuyết phục giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu thể hiện thông qua chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật nhà Lê.

Nhờ đó, Nhà nước một mặt tạo điều kiện cho thần dân tự ý thức mặt khác khuyến khích xã hội tuân theo những chuẩn mực đã đặt ra. Pháp luật dân sự hiện đại cũng quy định các trường hợp miễn giảm trách nhiệm dân sự căn cứ vào thiệt hại, lỗi của các bên, sự kiện khách quan, khả năng kinh tế của các bên…[23]

Luật Hồng Đức thể hiện sự tiến bộ rất rõ khi đề cập đến yếu tố miễn giảm trách nhiệm dân sự.

Giảm nhẹ

Luật Hồng Đức dự liệu một vài sự kiện tự nhiên, khách quan ngoài sức quan sát và khả năng chống đỡ của con người và nếu như trường hợp đó xảy ra thì trách nhiệm dân sự được giảm nhẹ.

Trường hợp này được Quốc triều hình luật xem như: "lầm lở". Điều 499 xác định nguyên tắc chung cho việc xét giảm tội trong các trường hợp vô ý làm hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của người khác: "những việc lầm lỡ làm người bị thương hay chết, đều xét theo tình trạng sự việc mà giảm tội(nghĩa là việc xảy ra ngoài sức khỏe, tai mắt không kịp nhận thấy, không kịp nghe thấy, hay vì vật nặng, sức người không chống nổi, hoặc trèo lên cao, tới chỗ nguy hiểm, săn bắt cầm thú, để đến nỗi thành ra sát thương đều là việc lầm lỡ".

Có thấy quan điểm nhân đạo và rất hợp lý của các nhà lập pháp về hình phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự. Yếu tố lỗi có ý nghĩa trong việc xác định tiền bồi thường thiệt hại và các chế tài hình sự kèm theo. Khái niệm "lầm lỡ" được đưa ra như một minh chứng cho sự khoan hồng, giảm nhẹ nếu trên thực tế thiệt hại gây ra không hoàn toàn nằm trong ý thức chủ quan của đương sự.

Nguyên tắc xét xử lầm lỡ để giảm tội cũng được thể hiện rõ tại điều 553 với việc quy định xử phạt nghiêm khắc tới 60 trượng với người vô cớ mà phóng ngựa chạy trong phố phường, đường ngõ trong kinh thành, hay trong đám đông người, nếu vì thế mà làm bị thương hay chết người thì bị xử tội nhẹ hơn tội đánh bị thương hay chết người một bậc, làm bị thương hay chết các súc vật thì phải đền số tiền theo sự mất giá, nhưng vẫn đưa người gây ra tình huống để xét nhẹ tội.

Điều 553 quy định: "Nếu vì việc công hay tư cần phải di gấp mà phóng ngựa chạy,thì không phải tội, vì thế mà làm bị thương hay chết người thì xử theo tội vì làm lỡ mà xảy ra. Nếu vì ngựa sợ hãi mà lồng lên, không thể gìm được để xảy ra việc làm bị thương, chết người, thì được xử giảm nhẹ hơn tội lầm lỡ hai bậc".

Quan điểm xem xét về sự lầm lỡ để giảm tội cũng được thể hiện tại điều 555 về việc thi đấu võ nghệ lại bắn vào người. Ở dây người gây ra thiệt hại vẫn phải chịu chế tài nghiêm khắc nhưng được chiếu cố.

Điều 555 quy định: "Trong khi thi đấu võ nghệ lại nhằm vào người mà bắn, làm cho bị thương hay chết, thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương, chết người một bậc, nếu vì sai lầm xảy ra thì chỉ phải khép vào tội lầm lỡ"

Và điều 557 cũng dự liệu trường hợp "Ở trong chợ và chỗ đông người, mà cố ý làm cho người ta sợ hãi đến nỗi rối loạn cả lên thì xử phạt 80 trượng. Nếu vì thế mà làm người khác bị thương hay chết thì xử tội nhẹ hơn tội cố ý giết người hay làm bị thương một bậc, nếu vì thế mà làm người mất của thì xử tội đồ, còn vì sự lầm lỡ làm kinh động đến người khác bị thương hay chết thì xử theo tội theo tội lầm lỡ".

Như vậy, có thể thấy yếu tố lầm lỡ được nhắc đến nhiều trong Bộ luật như là sự dự liệu hợp lý của Nhà nước đối với hành vi gây thiệt hại. Nguyên tắc này cho thấy sự tiến bộ của luật trong việc quy kết trách nhiệm hình sự và dân sự cho người mà hành vi gây ra là do một sự kiện nằm ngoài ý muốn của họ. Sự miễn giảm hợp lý tạo nên tính chất thực tiễn cho các điều luật.

Luật dân sự hiện đại cũng quy định về vấn đề giảm mức bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại trên thực tế gây ra là do lỗi của cả hai bên gồm lỗi của người có quyền và lỗi của người có nghĩa vụ. Căn cứ vào mức độ lỗi của các bên để phân chia mức độ bồi thường thiệt hại hợp lý cho các bên.

Xá miễn

Quốc triều hình luật cũng dự liệu trường hợp được miễn nghĩa vụ bồi thường thiệt hại dân sự.

Điều 582 quy định: "Người thuê đến để chữa bệnh cho gia súc, hay là vô cơ trêu ghẹo những súc vật kia, mà bị thương hay chết thì người chủ không bị xử tội. Đồng thời, trường hợp một người vô cớ trêu ghẹo dẫn đến sự tổn thiệt hì cũng phải tự mình chịu sự tổn thiệt, người chủ súc vật không chịu trách nhiệm bồi thường".

Quy định trên nhấn mạnh đến yếu tố lỗi của người chữa bệnh cho gia súc mà bị gia súc làm cho bị thương hay trêu ghẹo dẫn đến việc bị thươg thì hoàn toàn là do họ.

Luật dân sự hiện đại quy định trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trog trường hợp có sự kiện bất khả kháng và trường hợp thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Điều này cho thấy sự tương đồng giữa hai bộ luật cách nhau hơn 500 năm.